Hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2019 bàn về phát triển Hệ thống một cửa điện tử
- 25/06/2019
Hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2019 bàn về phát triển Hệ thống một cửa điện tử
Hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử năm 2019 dự kiến được tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào ngày 26/7 tới sẽ có chủ đề “Phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) đồng ý sẽ là cơ quan đồng chủ trì Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 cùng với Bộ TT&TT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề “Phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Có thành phần tham dự là lãnh đạo, chuyên gia của Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo UBND và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố; các chuyên gia trong cộng đồng CNTT-TT (ICT) trong nước và quốc tế cùng các hội, hiệp hội ICT, hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 dự kiến sẽ được VDCA và IDG Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 26/7/2019 tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2002, đến nay hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử đã trở thành một diễn đàn uy tín, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan ban ngành Chính phủ, chuyên gia tư vấn và chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về những giải pháp CNTT toàn diện giúp Chính phủ cải cách, nâng cao năng lực vận hành và quản lý nhà nước, xây dựng nền Chính phủ điện tử hiện đại, hiệu quả.
Đặc biệt, theo VDCA, năm 2019 là năm bản lề trong việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để các hệ thống trên vận hành hiệu quả, ổn định, cần có sự đóng góp ý kiến, tham mưu của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo và hội thảo này là nơi họ có thể đóng góp ý kiến của mình.
Chia sẻ thêm về lý do lựa chọn chủ đề hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm nay là “Phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân, doanh nghiệp”, trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) – Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, một vấn đề trọng tâm trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử chính là giúp tạo điều kiện thuận cho việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp được nhanh gọn, minh bạch hơn.
Chính phủ có nhiều chức năng, tuy nhiên việc xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam đang hướng tới hiện thực hóa 2 mục tiêu quan trọng, đó là: đảm bảo quản lý nội bộ của Chính phủ được thông suốt, và phần hướng ra người dân, doanh nghiệp chính là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến như khai sinh, khai tử, hộ chiếu, đăng ký doanh nghiệp… “Thực hiện được việc này sẽ giúp giảm được tình trạng tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, việc điện tử hóa hệ thống hành chính cũng sẽ giúp cho việc kiểm soát hành chính được tốt hơn”, ông Đồng chia sẻ.
Trước đó, hồi cuối tháng 4/2019, trong nghiên cứu về “Chính phủ điện tử: Góc nhìn từ dịch vụ công trực tuyến”, Viện IPS đã chỉ rõ một trong những thách thức lớn cần phải được giải quyết trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến thời gian tới là tình trạng dữ liệu “cát cứ” và “phân mảng”. Cụ thể, theo đơn vị này, hiện nay có tình trạng “một ngõ – nhiều ngách”, một tỉnh có nhiều trang dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, giao diện, tên gọi của các trang dịch vụ công trực tuyến cũng chưa được chuẩn hóa.
Thông tin từ VDCA cho hay, chương trình hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 dự kiến sẽ gồm 1 phiên báo cáo chính và 2 phiên chuyên đề.
Trong đó, phiên báo cáo chính sẽ tập trung giới thiệu lộ trình phát triển, yêu cầu chi tiết mà Chính phủ đặt ra cho các cơ quan, doanh nghiệp chịu trách nhiệm phát triển Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Cũng tại phiên này, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ cho thuê hạ tầng công nghệ sẽ cập nhật các thông tin liên quan đến sự phát triển và những gì lĩnh vực của mình có thể đóng góp cho nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử nói chung.
Hai phiên chuyên đề sẽ tập trung vào các nội dung: “Ứng dụng CNTT hiệu quả nhằm phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia: Mô hình và giải pháp”, đề cập tới những công nghệ mới hỗ trợ vận hành và kết nối các đơn vị bộ, ban, ngành, các địa phương trong Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; “Cải cách, tinh giảm các thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ công quốc gia, đề cập đến kinh nghiệm tinh giảm thủ tục hành chính tại các quốc gia phát triển, đặt ra các vấn đề tinh giảm thủ tục hành chính tại các địa phương, các bộ, ban ngành nhằm giúp việc vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến được nhanh, gọn, hiệu quả hơn.
Tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã xác định một trong những mục tiêu của giai đoạn 2019-2020 là đưa tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Nguồn: ictnews.vn