Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông
Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera.Chỉ đạo nêu trên vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong cuộc họp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và Cục Kiểm soát TTHC-Văn phòng Chính phủ (VPCP) chiều 16/8/2017.
Theo đánh giá của Thủ tướng, thời gian qua, công tác cải cách TTHC đạt một số kết quả, tuy nhiên người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết TTHC ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau. Một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng.
Thủ tướng mong muốn Hội đồng tư vấn cải cách TTHC tập trung đề xuất tốt hơn nữa cho Chính phủ, VPCP để làm sao những tiếng nói phản ánh từ đời sống thực tiễn được giải quyết kịp thời hơn.
Một số ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, ngọn lửa cải cách đã được thổi bùng lên, song sức nóng của ngọn lửa chưa lan tỏa nhiều tới cấp cơ sở, tới mỗi cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thủ tục; trong khi đó khâu then chốt của cải cách vẫn là con người.
Cũng tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu các kiến nghị cụ thể về các thủ tục “gây khó” cho doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực như sản xuất, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu…
Hoan nghênh các ý kiến, phản ánh, Thủ tướng cho rằng chính các doanh nghiệp, những người trong cuộc mới phát hiện ra các vấn đề, vướng mắc và “phải nghe lời nói ngang trái để sửa chính sách, để sát cuộc sống, để phát triển đất nước”. “Tôi rất vui mừng khi được ký những nghị quyết của Chính phủ về giảm TTHC ở bộ này, ngành kia”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng cần trực tiếp lắng nghe thêm nhiều ý kiến của các hiệp hội ngành nghề để giải quyết thủ tục đang vướng mắc sát với thực tiễn. Bên cạnh hướng chính là cải cách tốt hơn thì cần lưu ý không buông lỏng quản lý nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường ứng dụng CNTT, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng (Nguồn ảnh: Văn phòng Chính phủ).
Nhấn mạnh cải cách TTHC phục vụ cho tăng trưởng là một nhiệm vụ hàng đầu để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao, Thủ tướng cho biết: “Người ta nói là trong chuyện tăng trưởng chậm có nguyên nhân thủ tục, trước hết là thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân, các thủ tục có liên quan khác vẫn còn chậm trễ so với một số nước”.
Thủ tướng cho rằng, muốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thì cần tháo gỡ mọi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tạo sức cạnh tranh cao hơn cho nền kinh tế. Muốn tăng trưởng phải đẩy mạnh giải ngân các loại nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Phải cải cách thật tốt các thủ tục thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra rủi ro…
Lĩnh vực cải cách quan trọng nữa là TTHC đối với cuộc sống hằng ngày của người dân mà hiện nay, còn nhiều thủ tục phức tạp, nhận được nhiều phản ánh về tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu công khai, minh bạch. “Đây là điều cần tập trung khắc phục”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Hệ thống các cơ quan nhà nước, nhất là cấp cục, vụ, sở, phòng, huyện, xã phải chuyển biến đồng bộ với chủ trương của Trung ương trong vấn đề giải quyết TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là khâu yếu cần khắc phục. Không chuyển biến thì cần có chế tài thực hiện. Cho nên, Cục trưởng, Vụ trưởng nào nói “anh cứ cải cách đi” còn bản thân không chịu cải cách thì cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước”.
Thủ tướng cho hay, để giải quyết nhanh một công việc thì yêu cầu đầu tiên là năng lực của người thực hiện; thứ hai là tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu, vì sự phát triển; thứ ba là phẩm chất của cán bộ; và thứ tư là thủ tục đỡ rườm rà, phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu VPCP có chương trình tập trung cao cho các nhiệm vụ cải cách, kiểm soát TTHC, bám sát vào trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sát thực tiễn hơn nữa. Phải tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ quyết liệt cắt giảm các TTHC, loại bỏ giấy phép con, đặc biệt phải kiểm soát tốt hơn việc đặt thêm thủ tục, hoặc biến tướng các loại giấy tờ mới, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Đáng chú ý, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần duy nhất tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera. Cần tăng cường ứng dụng CNTT, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng đề nghị VPCP thực hiện nghiêm túc quy định về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và cập nhật công khai kết quả xử lý trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Nội vụ chủ trì kiểm tra công vụ, có tổ công tác cùng với Cục Kiểm soát TTHC kiểm tra việc thực thi công vụ của một số nhóm đối tượng đã bị phát hiện có thể gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, xử lý nghiêm, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông về các điển hình, tấm gương, mô hình tốt về cải cách TTHC.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng có nhiều sáng kiến về cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục; lựa chọn vấn đề còn nhiều khó khăn vướng mắc hoặc vấn đề trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như thuế, hải quan, đất đai, đầu tư, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành… để đề xuất xử lý giải quyết.
Thủ tướng đồng ý trong quý này, Hội đồng và Cục Kiểm soát TTHC chọn một số thủ tục để cắt giảm. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là kiên quyết giảm chi phí doanh nghiệp, từ chi phí BOT đến chi phí lãi vay và các chi phí khác; kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần hậu kiểm.
Nguồn: ictnews.vn